Trong quá trình dạy học, giáo viên nên kích thích sự sáng tạo và tư duy học sinh bằng cách sử dụng những bản đồ vẽ trên giấy truyền thống. Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học Địa lí đang là phương pháp được đánh giá cao trong việc phát triển tư duy Địa lí cho học sinh. Phương pháp này không những cung cấp cho học sinh lượng tri thức tiếp cận cần thiết mà còn hình thành cho học sinh nhiều kĩ năng và kĩ xảo nhạy bén. Tuy nhiên, hiên nay, việc ứng dụng phương pháp này chưa phổ biến rộng rãi và chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Để đạt được hiệu quả cao, đòi hỏi người sử dụng phương pháp này phải vững vàng trong chuyên môn và vững vàng trong việc sử dụng các kĩ năng sư phạm



  • Lịch sử nghiên cứu

Các kiến thức Địa lí luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chính vì vậy mà việc nắm các kiến thức trọng tâm và hiểu được mối quan hệ của các ngành học Địa lí với nhau là vô cùng quan trọng. Có nhiều cách thức, con đường để thể hiện các mối quan hệ ấy. Một trong những phương cách hiệu quả là sơ đồ hóa, và gần đây chúng ta hay nghe nhắc đến bản đồ tư duy.
Việc sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học đã và đang được các nhà nghiên cứu trên thế giới tìm hiểu và ứng dụng rộng rãi.







Một số bản đồ tư duy 
Xuất phát từ thực tế của bản thân khi còn là một học sinh trung học, Tony Buzan (học giả người Anh ) đã nghiên cứu và giới thiệu Bản đồ Tư duy (Mind map) vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX qua cuốn sách “The Mind Map”. Đây không chỉ đơn thuần là một công cụ ghi chép hoàn chỉnh mà là một phương pháp tư duy nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận, ghi nhớ thông tin và kích thích khả năng sáng tạo của con người
Adam Kho đã  truyền bá sơ đồ tư duy vào việc học qua tác phẩm “ I am gifted, so are you ”.
Tony Buzan trong cuốn “Lập Bản đồ Tư duy” (How to Mind Map) của do Nhà XB Lao động - Xã hội ấn hành đã khẳng định rằng: “Bản đồ tư duy là một công cụ tổ chức tư duy nền tảng”. Bản đồ Tư duy là phương pháp chuyển tải thông tin vào bộ não của bạn rồi đưa thông tin ra ngoài bộ não. Nó cũng là một phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và rất hiệu quả trong việc học tập.
Trong nước, những đề tài nghiên cứu lớn về việc sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học đang được tập trung nghiên cứu khá sâu rộng. Trong dạy học ở một số trường đại học, cao đẳng, một số sinh viên cũng có tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sử dụng bản đồ tư duy trong việc dạy học. Tiêu biểu một số công trình nghiên cứu và bài viết liên quan đến việc sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học như:
Tiến Sĩ Trần Đình Châu trong chuyên đề : “Sử dụng bản đồ tư duy góp phần dạy học tích cực và hỗ trợ công tác quản lí nhà trường”  đã nêu lên quan điểm về dạy học tích cực và vai trò của bản đồ tư duy trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và quản lí nhà trường. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc hình thành hệ thống và phương pháp dạy học tích cực bằng bản đồ tư duy.
Đặng Văn Đức trong Hội nghị Khoa học Địa lí toàn quốc lần thứ 6, phần: Hội thảo về Đào tạo Địa lí, phương pháp và công nghệ nghiên cứu Địa Lí đã trình bày bài báo về “ Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học Địa Lí”. Ông đã nêu lên vai trò của việc sử dụng bản đồ tư duy trong việc dạy học Địa Lí là rất cần thiết, góp phần đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học Địa Lí ở các trường Phổ thông, Cao đẳng và Đại học.
Nguyễn Ngọc Tuấn trong Luận văn thạc sĩ của mình: “ Thiết kế và sử dụng lược đồ tư duy nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh trong dạy học hóa học lớp 11 (Học kỳ I) trung học phổ thông” - đã trình bày cơ sở lý luận về quá trình dạy học, xu hướng đổi mới phương pháp Dạy - Học, cũng như quá trình tự học và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
Nguyễn Ngọc Yến đã tìm hiểu, thiết kế và nêu cách thức sử dụng sơ đồ tư duy trong việc dạy học Địa Lí của GV và học tập Địa Lí của học sinh trong khóa luận tốt nghiệp năm 2011 với đề tài “ Tìm hiểu và xây dựng sơ đồ tư duy trong dạy học Địa Lí trung học phổ thông”. Tác giả đã chứng minh hiệu quả của sơ đồ tư duy trong việc dạy học Địa Lí ở Trung học phổ thông. Đề tài tập trung nghiên cứu khái quát việc sử dụng sơ đồ tư duy ở cả ba lớp 10, 11, 12.
Như vậy, có thể thấy việc sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học đã và đang là vấn đề được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vô cùng quan tâm.
  • Bản đồ tư duy là gì ?
Các tên gọi: Bản đồ tư duy, lược đồ tư duy, sơ đồ tư duy, giản đồ tư duy là những thuật ngữ chung chỉ “MindMap”.
Bản đồ tư duy là phương pháp được đưa ra để tận dụng khả năng ghi nhận của não. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp, hay phân tích một vấn đề thành một dạng lược đồ phân nhánh. BĐTD là một phương pháp ghi chú gồm một hình ảnh hoặc một từ khoá ở trung tâm, và từ từ khoá trung tâm đó phát triển ra nhiều ý, mỗi ý sẽ là một từ khoá mới, trong đó có nhiều ý nhỏ hơn.
Với đặc tính này, bất kỳ từ khoá hay hình ảnh chủ đạo nào bổ sung vào BĐTD đều có thể mở rộng phạm vi liên kết mới, rồi từ đó lại mở rộng phạm vi liên kết mới nữa và chu trình đó có thể lặp đi lặp lại đến vô hạn.
Những đặc điểm của BĐTD:
-        BĐTD khai thác toàn diện chức năng của vỏ não – từ, ảnh, số, suy luận, nhịp điệu, màu sắc bằng một kỹ thuật độc đáo và sáng tạo.
-        Nhờ vào việc tận dụng những từ khoá và hình ảnh, một khối lượng kiến thức rất lớn sẽ được ghi chú hết sức cô đọng chỉ trong một trang giấy, mà không bỏ sót bất kỳ thông tin quan trọng nào.
-        BĐTD có rất nhiều hình ảnh để bạn hình dung về kiến thức cần nhớ. BĐTD giống như một bức tranh lớn ( bức tranh tổng thể ) đầy hình ảnh và màu sắc phong phú hơn là một bài giảng khô khan và nhàm chán.
-        BĐTD hiển thị sự liên kết giữa các ý tưởng rất rõ ràng.
Thay cho những từ ngữ tẻ nhạt, đơn điệu, BĐTD cho phép làm nổi bật các ý tưởng trọng tâm bằng cách sử dụng những màu sắc, kích cỡ, hình ảnh đa dạng. Giúp tạo ra một bức tranh mang tính logic, liên kết chặt chẽ về những gì học được.
BĐTD giúp chúng ta tận dụng được các chức năng của vỏ não trái và phải. Đây chính là công cụ vận dụng được toàn bộ sức mạnh của bộ não. Nếu vận dụng đúng cách, nó sẽ hoàn toàn giải phóng những năng lực tiềm ẩn bên trong mỗi người.
  • Cơ sở khoa học của việc sử dụng sử dụng Bản đồ tư duy
  • Những nghiên cứu về não bộ hiện đại
Để hiểu được BĐTD đã tận dụng được khả năng của bộ não như thế nào, trước tiên cần tìm hiểu một số phát hiện của các nhà nghiên cứu về não bộ trong suốt 50 năm qua.
Xét về mặt cấu trúc, bộ não của chúng ta gồm 3 phần cơ bản:
·        Phần não bò sát ( truncuscerebri ): là bộ phận trí tuệ thấp nhất của con người. Nó hoạt động như một dây thần kinh vận động cảm giác nhận biết hiện thực thế giới khách quan thông qua 5 giác quan. Hành vi được điều khiển bởi não bò sát mang bản năng sinh tồn, quan tâm đến thức ăn, chỗ ở, sinh sản và bảo vệ lãnh thổ.
·        Phần não của động vật có vú ( diencephalons ) : nằm ở trung tâm của bộ não người, có chức năng thực hiện tình cảm và nhận thức như: cảm giác, khoái cảm, trí nhớ và khả năng học tập. Đồng thời, nó cũng kiểm soát nhịp sinh học của con người như: buồn ngủ, đói khát, nhịp tim,…, nó có khả năng chọn lọc những thông báo nhận từ các giác quan ( thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác ) để phát tán thông tin đến bộ phận tư duy của não là vỏ não
·        Phần vỏ não ( cerebrum ): là bộ phận trẻ nhất và tiến hóa nhất của não con người, bao trùm xung quanh đỉnh và cạnh não động vật có vú. Đây chính là trung tâm trí tuệ của con người, đảm nhận chức năng chọn lọc thông tin, nhận tín hiệu phát ngôn và xử lí ý nghĩ, tạo nên sự khác biệt giữa con người và các loại động vật khác
Theo những phát hiện của khoa học nghiên cứu não bộ hiện đại, vỏ não chỉ dày vài mm nhưng chứa tới khoảng 75% các tế bào não (10 – 100 tỉ tế bào), còn gọi là noron thần kinh. Mỗi một tế bào có kích thước cực nhỏ nhưng lại có sức mạnh xử lí thông tin như một máy vi tính. Nó là một hệ thống vi xử lí và dẫn truyền dữ liệu cực mạnh. Mỗi tế bào giống như một con siêu bạch tuộc với hàng trăm, chục nghìn xúc tu. Mỗi xúc tu giống như một nhánh cây tủa ra từ nhân tế bào não. Các nhánh cây này được gọi là nhánh denrite, có cấu trúc rễ nhánh cây, trong đó rễ dài và to nhất gọi là trục axon – kênh truyền phát tin của tế bào não. Mỗi nhánh denrite và trục axon dài 1mm -1,5 m, nằm quanh suốt chiều dài của chúng ta là những cấu trúc lồi hình nấm, được gọi là gai nhánh ( dendritic spine ) và nút dẫn truyền ( synaptic button ). Ở mỗi gai nhánh và nút truyền đều chứa các hóa chất đóng vai tò truyền tin chủ yếu trong qua trình tư duy.

Mỗi gai nhánh và nút truyền từ một tế bào não kết nối với nút dẫn truyền của tế bào não kế cận. Khi có xung điện qua tế bào não, các hóa chất sẽ được truyền qua khe hẹp chứa đầy chất lỏng nằm giữa hai tế bào, rồi “lọt vào” bề mặt tiếp nhận của tế bào não kế tiếp , lại tạo ra xung điện qua tế bào não tiếp nhận thông tin và từ đó xung điện này lại được dẫn đến một tế bào não kế cận khác.
Trong mỗi giây, một tế bào não có thể tiếp nhận thông tin từ hàng trăm nghìn điểm kết nối và giống như một tổng đài điện thoại khổng lồ, nó xử lí toàn bộ dữ liệu của các thông tin đến rồi xác định đường truyền thích hợp trong từng một triệu giây. Khi mỗi thông điệp, suy nghĩ hay kí ức tái hiện dẫn truyền qua tế bào, một lộ trình điện từ hóa sinh sẽ được tạo ra. Mọt lộ trình qua từng tế bào não ấy được gọi là một “vết kí ức”, tất cả vết kí ức đó, còn gọi là BĐTD.
Cùng một thời điểm một trong số hàng nghìn tỉ tế bào não có thể tiếp nhận khoảng 10.000 tế bào não kế cận hoặc hơn. Như vậy, bộ não của chúng có tiềm năng thật to lớn. Nó như một cỗ máy liên kết khổng lồ có các chức năng: tiếp nhận, lưu trữ, phân tích, tác xuất (mỗi hình thức giao tiếp hay hoạt động sáng tạo bao gồm cả tư duy) và kiểm soát. Tiềm năng của nó thật sự là vô hạn.
Ngoài ra, GS.Roger Sperry thuộc Đại học California trong một công trình nghiên cứu về não, ông đã phát hiện ra rằng : hai vỏ bán cầu não của chúng ta có khuynh hướng chia thành hai phần sinh lí học là bán cầu não trái và bán cầu não phải (gọi tắt là não trái và não phải). Hai bán cầu được nối với nhau bằng tập hợp các sợi dây thần kinh mỗi phần thực hiện một chức năng khác nhau:
·        Bán cầu não phải dường như trội hơn trong các hoạt động tư duy như: nhịp điệu, nhận thức, hình tượng, mơ mộng , màu sắc, kích thước.
·        Bán cầu não trái lại thiên về các kĩ năng tư duy khác nhau bao gồm: ngôn ngữ, suy luận , con số, sự kiện, logic, phân tích, liệt kê.
Mặc dù mỗi bán cầu có sự trội hơn ở những tư duy nhất định nhưng giữa chúng luôn có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau tạo ra các kĩ năng tư duy mà tất cả mọi người đang sở hữu trong mình.

  • Quá trình học và nhớ xét dưới góc độ tâm lí

Các nhà tâm lí học cho thấy trong quá trình học, bộ não của con người chủ yếu ghi nhớ các thông tin sau:
·        Các chi tiết trong phần đầu buổi học ( hiệu ứng ưu tiên theo trình tự xuất hiện)
·        Các chi tiết trong phần cuối buổi học ( hiệu ứng ưu tiên theo mức độ cập nhật)
·        Mọi chi tiết có sự liên hệ với việc, quy luật, cấu trúc đã liên hệ tới những khía cạnh của vấn đề đang học.
·        Mọi chi tiết đặc sắc hoặc nổi bật được nhấn mạnh
·        Những chi tiết được cá nhân đặc biệt quan tâm
·        Mọi chi tiết thu hút các giác quan
Thông qua các nghiên cứu này, Tony Buzzan đã nhận ra hai nhân tố chính của trí nhớ là sự liên tưởngnhấn mạnh. Sự liên tưởng nghĩa là tạo ra mối liên kết giữa các sự vật, hiện tượng, các liên kết này tạo ra một mục lục dưới dạng chuỗi liên kết trong đầu giúp chúng ta giúp chúng ta dễ dàng tìm lại thông tin. Ngoài ra, bộ não có xu hướng ghi nhớ những sự việc nổi bật, một trong những sự việc nổi bật là sử dụng các chi tiết hài hước.
Như vậy, cơ chế hoạt động tư duy của vỏ não cũng như những phát hiện về chức năng não trái , phải và hai nhân tố chính của trí nhớ là liên tưởng và nhấn mạnh là cơ sở khoa học của BĐTD do Tony Bzan lập ra. Do đó nó thực sự là công cụ khai thác có hiệu quả tiềm năng của bộ não.
BĐTD  là một công cụ tổ chức tư duy, là con đường dễ nhất để chuyển tải thông tin vào bộ não rồi đưa thông tin ra ngoài bộ não. Đồng thời là một phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và rất hiệu quả theo đúng nghĩa của nó: “sắp xếp” ý nghĩ. Hình 1.1 minh hoạ cho một tế bào trong não bộ. BĐTD được Tony Buzan phát minh ra cũng từ việc ông tìm hiểu về bộ não con người và cách tổ chức sắp xếp thông tin theo mạng lưới.
Ví dụ:
Thay vì tổ chức cho học sinh ôn tập theo cách thông thường, GV có thể triển khai các nội dung cần dạy bằng cách sử dụng BĐTD, tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu kiến thức mới và vận dụng chúng vào thực tế.
Bài 6: Hệ quả chuyển động xung quanh Mặt Trời của Trái Đất ( Phần tự nhiên, Địa lí 10, ban cơ bản )
-  Giáo viên sẽ đưa ra câu hỏi khái quát: Chuyển động quanh Mặt Trời của Trái Đất dẫn đến những hệ quả gì? Ứng với từ khóa trung tâm.
  Học sinh sẽ đưa ra nhận định của mình thông qua việc quan sát và tổng hợp kiến thức từ sách giáo khoa như : hiện tượng bốn mùa, hiện tượng ngày đêm dài ngắn theo mùa và theo vĩ độ, các mùa trong năm….. Sau đó, giáo viên sẽ vẽ các nhánh chính từ từ khóa trung tâm. Đó chính là các từ khóa cấp 1
-  Từ từ khóa cấp 1, giáo viên có thể sử dụng các câu hỏi để đưa ra các vấn đề liên quan đến từ khóa cấp 2. Ví dụ: Biểu hiện của hiện tượng ngày đêm dài ngắn theo mùa và theo vĩ độ ở các nơi trên Trái đất như thế nào? Một năm có bao nhiêu mùa? Đặc điểm của các mùa trong năm?
Hình ảnh

Hình 2.2: Hệ quả của chuyển động xung quanh Mặt Trời của Trái Đất
( Bài 6: Hệ quả của chuyển động xung quanh Mặt Trời của Trái Đất )


  • Các bước thiết kế BĐTD
Bước 1: Vẽ chủ đề ở trung tâm
Bước đầu tiên trong việc tạo ra một BĐTD là vẽ chủ đề ở trung tâm một mảnh giấy.
Quy tắc vẽ:
·        Vẽ chủ đề ở trung tâm để từ đó phát triển ra các ý khác
·        Có thể sử dụng tự do tất cả các màu sắc tuỳ thích.
·        Chủ đề cần được làm nổi bật cho dễ nhớ
·        Có thể bổ sung thêm từ ngữ vào hình vẽ chủ đề nếu chủ đề không rõ ràng.

Bước 2: Vẽ thêm các tiêu đề phụ
Quy tắc vẽ:
·        Tiêu đề phụ nên vẽ gắn liền với trung tâm
·        Tiêu đề phụ nên được vẽ chéo góc (chứ không nằm ngang) để nhiều nhánh phụ khác có thể được vẽ toả ra một cách dễ dàng

Bước 3: Trong từng tiêu đề phụ, vẽ thêm các ý chính và các chi tiết hỗ trợ.
Quy tắc vẽ:
·        Nên tận dụng các từ khoá và hình ảnh
·        Bất cứ lúc nào có thể, hãy dùng biểu tượng, cách viết tắt để tiết kiệm không gian vẽ và thời gian. Hãy phát huy và sáng tạo thêm nhiều cách viết tắt cho riêng mình.

Bước 4: Hãy để trí tưởng tượng bay bổng.
Chúng ta có thể thêm nhiều hình ảnh nhằm giúp các ý quan trọng thêm nổi bật cũng như giúp chúng ta ghi nhớ tốt hơn.
  • Cấu trúc Bản đồ tư duy
Một cách điển hình, Bản đồ Tư duy có cấu trúc như sau:
  • Dòng chảy thông tin
Lưu ý rằng không giống như cách viết thông thường, BĐTD không xuất phát từ trái sang phải và từ trên xuống dưới theo kiểu truyền thống. Thay vào đó, BĐTD được vẽ, viết và đọc theo hướng bắt nguồn từ trung tâm di chuyển ra phía ngoài và sau đó là theo chiều kim đồng hồ. Do đó, các từ ngữ nằm bên trái BĐTD nên đọc từ phải sang trái ( bắt đầu từ phía trong di chuyển ra ngoài ). Các mũi tên xung quanh BĐTD bên dưới chỉ ra cách đọc thông tin trong sơ đồ. Các số thứ tự cũng là một cách hướng dẫn khác.

Bốn kết cấu chính I, II, III, IV trong BĐTD phía trên được gọi là nhánh chính. BĐTD này có bốn nhánh chính vì nó có bốn tiêu đề phụ. Số tiêu đề phụ là số nhánh chính. Đồng thời, các nhánh chính của BĐTD được đọc theo chiều kim đồng hồ, bắt nguồn từ nhánh I tới nhánh II, rồi nhánh III, và cuối cùng là nhánh IV ( tham khảo các mũi tên đen trong hình vẽ ).
  • Các quy tắc trong Bản đồ tư duy
Các quy tắc gồm có: nhấn mạnh, liên kết, mạch lạc và phong cách riêng.

Nhấn mạnh:
Đây là một quy tắc quan trọng vì có tác dụng tăng trí nhớ và đẩy mạnh sáng tạo. Muốn đạt hiệu quả nhấn mạnh tối ưu, chúng ta cần:
·        Dùng một hình ảnh trung tâm hoặc từ ngữ có màu sắc, kích cỡ thật lôi cuốn.
·        Dùng hình ảnh ở mọi nơi trong BĐTD: giúp tăng cường khả năng hình dung.
·        Thay đổi kích cỡ ảnh, chữ in: thay đổi kích cỡ là cách tốt nhất để chỉ tầm quan trọng tương đối giữa các thành phần.
·        Cách dòng có tổ chức, thích hợp: Giúp BĐTD dễ dàng khai triển và trông đẹp mắt, bố cục rõ ràng.
Liên kết:
·        Dùng mũi tên để chỉ các mối liên hệ cùng nhánh hoặc khác nhánh: Nhờ dùng mũi tên nên nhanh chóng tìm thấy các mối liên hệ giữa các vùng trong BĐTD.
·        Dùng màu sắc: màu sắc là một trong những công cụ tăng cường trí nhớ và sáng tạo hiệu quả nhất.
·        Dùng kí hiệu: giúp tiết kiệm thời gian và thấy ngay mối liên kết giữa các bộ phận trong BĐTD
Mạch lạc:
Diễn đạt rõ ràng, hệ thống giúp ta tiếp thu dễ dàng và nhanh chóng hơn:
·        Mỗi dòng chỉ có một từ khoá
·        Chữ viết rõ ràng giúp não dễ “chụp ảnh” hơn
·        Các vạch liên kết luôn nối liền nhau và các nhánh chính luôn nối với hình ảnh trung tâm.
·        Ảnh vẽ thật rõ ràng trông đẹp mắt và hấp dẫn hơn đồng thời giúp tư duy mạch lạc.
Tạo phong cách riêng

Mỗi người đều là những cá thể độc đáo. BĐTD phải phản ánh được lối tư duy độc đáo trong bộ não mỗi người
  • Phần mềm hỗ trợ xây dựng Bản đồ tư duy
Cùng với sự ứng dụng nhanh chóng công nghệ thông tin vào việc dạy học, các nhà lập trình trên thế giới đã xây dựng nhiều phần mềm vẽ bản đồ tư duy và ở bài này mình đã tìm, sử dụng và giới thiệu cho người đọc 2 bản setup có key + crack khá tiện lợi và dễ sử dụng là iMINDMAPMindjetMindManager Pr (nhấp chuột vào tên của phần mềm bạn muốn để đến với liên kết tải về). Những ai muốn update thì có thể tìm thêm ở các diễn đàn giáo dục khác. Bên cạnh những thuận lợi mà các chương trình này mang lại như dễ dàng sử dụng vào việc thiết kế giáo án điện tử, vẽ nhanh, gọn, không làm mất nhiều thời gian. Tuy nhiên theo đánh giá chung chương trình vẫn còn thiết kế sơ sài, khả năng sáng tạo bị hạn chế, độ hấp dẫn và độ tư duy trong bản đồ thấp, thường dễ gây nhàm chán cho học sinh nếu giáo viên lạm dụng quá nhiều. 

Một số sơ đồ tư duy minh họa:

    











- Với cách học này, học sinh có thể tự xây dựng các sơ đồ tư duy như trên làm tài liệu học tập. Xây dựng các sơ đồ tư duy sẽ giúp học sinh có cái nhìn một cách hệ thống về môn học, các kiến thức được ghi nhớ một cách khoa học, kiến thức được sắp xếp từ khái quát đến cụ thể, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ, nhớ lâu hơn, đồng thời phát triển tư duy cho học sinh, giúp học sinh rèn luyện năng lực tự học
- Học sinh cũng có thể áp dụng cách xây dựng sơ đồ tư duy để ghi chép bài hoặc lập các kế hoạch học tập.

Ngoài mục đích chính là share link để dowload phần mềm. Bài tham khảo tư liệu và một số hình ảnh của Lê Văn Hải (Profile) và nhóm SV ( Hoàng Thứ Nữ , Nguyễn Thị Phương Thùy, Nguyễn Thị Ngọc Yến, Văn Thị Dung Hằng, Nguyễn Thị Dung), website: http://www.imindworld.com và 1 số diễn đàn giáo dục khác nhằm giúp người đọc biết đôi điều về bản đồ tư duy trong dạy và học. ! haydl chúc các bạn vận dụng thành công !
Các bạn không cài được có thể để lại coment phía dưới bài viết, mình sẽ giúp khi onlline.
LIKE and SHARE this article: